Thị trường dầu nhớt vốn phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cơ giới. Chính vì vậy, mỗi biến động trên thị trường giao thông đều có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hay phân phối dầu nhớt.
Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, thị trường xe gắn máy ở Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ. Sau 10 năm, thị trường xe gắn máy đã tăng trưởng gấp 2 hay gấp 3 lần so với trước. Trong một vài năm gần đây, xe gắn máy được bán ra trên thị trường mỗi năm là vào khoảng 3 – 5 triệu chiếc.
Cho tới nay, Việt Nam cũng với Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ luôn là một trong những thị trường xe gắn máy hấp dẫn và phát triển nhất thế giới.
Thống kê mới nhất của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành dầu nhớt Việt Nam thường ở mức từ 4 – 6%, trong đó hơn một nửa là được tiêu thụ tại thị trường phía Nam, còn lại là ở phía Bắc và một số ít là ở khu vực miền Trung, với mức 90.000 tấn dầu nhớt mỗi năm.
Các hãng dầu nhớt nổi tiếng trên thế giới cũng đã nhanh chóng hình dung là ‘một miếng mồi ngon béo bở’ mà thị trường Việt Nam đem lại. Do đó, hầu hết các thương hiệu dầu nhớt nổi tiếng đều có mặt đầy đủ tại thị trường Việt Nam, chưa kể đến các thương hiệu nội địa liên kết với một số hãng sản xuất xe gắn máy.
Thị trường dầu nhớt Việt Nam đang bước vào cuộc đua mới, cam go và quyết liệt.
Tuy nhiên, ‘miếng mồi ngon béo bở’ này cho tới nay vẫn còn phần cho người đến sau, dù rằng việc cạnh tranh với thương hiệu đến trước quả thật là hoàn toàn không dễ dàng.
Đủ các thương hiệu lớn có mặt đầy đủ ở Việt Nam
Hiện nay, thị trường dầu nhớt của Việt Nam có mặt đầy đủ các thương hiệu, tên tuổi lớn của thế giới, trong đó có thể kể đến BP/Castrol, Shell…Những thương hiệu này đều có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, để nhằm duy trì vị thế của mình trên thị trường.
Cho đến nay, thị trường dầu nhớt cũng đã ghi nhận được những nhãn hiệu dầu nhớt riêng, trong đó đáng kể nhất là các thương hiệu dầu nhớt của hãng xe gắn máy Honda hay Yamaha…qua sự xâm nhập vào thị trường Việt Nam của Nippon Oil với nhà máy sản xuất tại Hải Phòng.
Ngoài pha chế nhãn hiệu dầu nhớt riêng, Nippon Oil còn có tham vọng xây dựng một nhãn hiệu dầu nhớt Eneos tại Việt Nam.
Năm 2014, thị trường còn có sự xuất hiện thêm của 2 nhà máy Nippon Oil và Idemitsu ở miền Bắc, với tổng công suất của 2 nhà máy vào khoảng 55.000 tấn/năm. Như vậy, cho đến nay, tổng năng lực pha chế dầu nhớt nội địa sẽ ở mức khoảng 350.000 tấn/năm.
Hiện chỉ có BP/Castrol là sản xuất hết công suất là 50.000 tấn sản phẩm/năm, còn dây chuyền sản xuất của tất cả các nhãn hiệu còn lại đều thừa công suất.
Đó là chưa kể đến một số thương hiệu dầu nhớt ngoại, nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Singapore…và một số thương hiệu dầu nhớt được pha chế tại Việt Nam, nhưng ghi là sản xuất ở nước ngoài.
Với quy mô thị trường dầu nhớt vào khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, các hãng dầu nhớt nước ngoài chiếm thị phần ước tính từ 70-80%, theo đại diện Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) nhận định, không phải hãng dầu nhớt nào cũng có thể duy trì được vị thế hàng đầu của mình, nếu không điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách linh hoạt.
“Một khi nhận thức của người tiêu dùng được nâng lên, chắc chắn cục diện và vị trí thị trường sẽ thay đổi” – vị đại diện của SFC nhấn mạnh.